Tên dự án: Trùng tạo Tháp Tường Long
Địa điểm: Đồ Sơn, Hải Phòng
Chủ đầu tư: UBND.Quận Đồ Sơn
Đại diện CĐT: Ban Quản lý dự án Quận Đồ Sơn
Tư vấn giám sát gói thầu hạ tầng: SVG engineering
Giới thiệu thêm:
Hải Phòng: trùng tạo Tháp Tường Long tại Đồ Sơn
Thứ hai - 23/02/2009 13:56
Tháp Tường Long trên đỉnh núi Long Sơn Đồ Sơn là một di sản văn hoá, cột mốc chứng cứ lịch sử vươn ra biển của Phật giáo - một công trình kiến trúc nghệ thuật - văn hoá độc đáo thời Lý đã được chính quyền TP. Hải Phòng cho phép khởi công xây dựng lại ngày 11-6 -2008.
Chùa Tháp hiện chỉ còn là phế tích, không còn dấu vết nền móng cũng như không còn tài liệu nào ghi lại về quy mô chùa Tháp cổ. Để phỏng dựng lại, các nhà nghiên cứu và quy hoạch phải căn cứ vào kiến trúc một số công trình cùng thời như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình) …, kết hợp một số yếu tố như địa hình, cảnh quan, nhu cầu phát triển du lịch…, để đưa ra phương án thiết kế.
Theo đó, thiết kế chùa Tháp sẽ được xây dựng với tổng diện tích 1.300 m2, chiều cao 32,5m, gồm 13 tầng và dự kiến mức đầu tư 176 tỷ đồng. Cụ thể: Chùa Tháp có Tam quan ngoại được thiết kế theo lối kiến trúc mở với bốn trụ cổng bằng đá đục chạm hoa văn tinh xảo trên diện tích 50m2, Tam quan nội và tường lan can có 3 cửa chính và khung bằng gỗ lim hài hoà cùng tam bảo với tiền đường gồm 5 gian…
Tú Uyên/ Báo Xây dựng
Hải Phòng: Phục dựng tháp Tường Long
Tháp Tường Long toạ lạc trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn, còn gọi là núi Rồng, một trong chín ngọn núi ở Đồ Sơn, Hải Phòng.
Dấu tích vàng son
Qua công trình nghiên cứu, kiến trúc sư Ngô Huy Giao cho rằng: “Tháp Tường Long được xây dựng từ thời nhà Lý, tháp cao12 tầng. Năm 1288 – 1322 hai lần tháp bị sét đánh lần đầu đổ ngọn, lần kế tiếp mất 2 tầng trên cùng. Năm 1426, giặc Minh phá tháp lấy đồng làm vũ khí. Năm 1791 triều đình nhà Lê phá tháp lấy gạch tu bổ thành Thăng Long. Năm 1805 thời Nguyễn, vua Gia Long tiếp tục phá tháp lấy gạch xây thành ở Trấn Hải Dương”… Nhiều sáng tác văn học của người đời sau cũng đã cho biết thêm về sự tàn lụi của tháp Tường Long, trong đó có bài thơ “Tháp Sơn hoài cổ” của Hương cống thời Hậu Lê - Miễn Trai Hoàng Văn Hoàn: Tháp cổ xưa kia cỏ mọc đầy/Dục vương đi khỏi cảnh hoang ngay/Nghìn cân chuông phật vang sông nước/Chín đợt tháp cao hoá bụi bay
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, dấu tích của tháp Tường Long vẫn còn rất rõ nét. Người dân địa phương lấy gạch, đá ở tháp về xây tường, nung vôi mà tháp vẫn còn cao đến 5 - 6 m. Năm 1971 - 1972, những dấu tích còn sót lại trên mặt đất cảu tháp được san phẳng để làm đài quan sát bộ đội. Năm 1978, di tích tháp Tường Long lần đầu tiên được khai quật. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một nền móng tháp có hình vuông, lòng rỗng, xây theo kiểu giật 3 cấp. Cấp dưới cùng có cạnh dài 7,96m, cấp trên cùng 6,92m. Nhiều di vật được phát hiện như gạch xây tháp, bệ tượng A di đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen và các con giống đất nung như rồng, phượng, chim thần Kim - na - ra khá tinh xảo. Sau đó một thời gian, hiện trường khai quật được san lấp và đến năm 1990 người dân đã xây một ngôi chùa ngay trên móng tháp cổ. Năm 1998, tháp Tường Long được khai quật lần thứ hai ở vị trí khác. Các nhà khảo cổ đã phát hiện nền móng thứ hai gồm hai cấp hình vuông, lòng rỗng, được xây bằng gạch đất nung. Cấp dưới có cạnh dài 7,95m, cấp trên có cạnh dài 7,45m. Di vật tìm thấy gồm ngói mũi hài, ngói lòng máng, một mảnh đất nung khắc hình rồng và một số viên gạch hình chữ nhật có hàng chữ Hán “Lý gia đệ tam đế, Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (nghĩa là gạch được làm vào triều vua Lý thứ 3 - tức Lý Thánh Tông (1054 - 1072), niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình thứ 4). Tháp Tường Long được nhiều nhà khảo cổ học, sử học, kiến trúc sư, chuyên gia nghiên cứu văn hoá đánh giá là công trình văn hoá, kiến trúc tiêu biểu của triều Lý. Năm 2005 di tích khảo cổ học tháp Tường Long được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Từ năm 1997, thành phố Hải Phòng đã bắt đầu tiến hành lập dự án phục dựng tháp Tường Long gắn với đình Ngọc và đền Nghè (hai di tích ở gần tháp Tường Long) song gặp phải trở ngại về kinh phí và ý tưởng không thống nhất. Đến tháng 12.2006, Quân khu 3 mới cho phép khảo sát địa hình lập dự án vì liên quan đến đất quốc phòng. Ngày 06.6.2008, UBND thành phố Hải Phòng đã có Quyết định số 920/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phỏng dựng, tôn tạo Tháp Tường Long - Chùa Tháp với diện tích trên 3 ha, tổng mức đầu tư là 179,7 tỷ đồng. Ngày 11.6.2008, Chùa Tháp với chiều cao 32,5m, khuôn viên rộng 1.300m2, hạng mục chính của Dự án đã được khởi công xây dựng với mức đầu tư là 87,7 tỷ đồng bằng nguồn vốn do Thành hội Phật giáo Hải Phòng huy động xã hội hoá.
Ông Bùi Đức Na, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Đồ Sơn, đơn vị thực hiện dự án cho biết: “Đây sẽ là công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất vùng duyên hải Bắc bộ nằm trong tuyến du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn - Cát Bà - Vịnh Hạ Long, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ngân sách thành phố, ngân sách Trung ương theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, UBND quận Đồ Sơn đang mời gọi các tập thể, cá nhân, ủng hộ kinh phí phục dựng tháp Tường Long”.
Được biết, ngày 23.7.2008, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4847/VPCP-KGVX, lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội về việc đưa công trình phỏng dựng tháp Tường Long vào danh mục công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bảo - Thắng/baodulich.net.vn
Đã từng là một trong những ngọn tháp lớn trấn giữ nơi cửa biển Đồ Sơn được xây dựng từ thời Lý. Trải qua gần 1000 năm lịch sử hứng chịu thiên tai, giặc giã, ngày nay, tháp Tường Long chỉ được coi là một di tích lịch sử. Song trong số những gia tài ít ỏi của vương triều Lý để lại, tháp Tường Long nổi lên như một đại danh lam tiêu biểu cho lịch sử nghệ thuật tạo hình của dân tộc.
Nguồn: haiphongtalk.com
Điểm nhấn của nghệ thuật kiến trúc cổ
Từ nội thành Hải Phòng, qua cầu Rào theo đường Phạm Văn Đồng là đến với vùng đất Đồ Sơn. Đi vào đường Lý Thánh Tông, đến ngã ba rẽ theo đường Phạm Ngọc khoảng 1 km là bạn đã đến chân núi Rồng. Các bậc đá men cao dần lên sườn núi sẽ đưa bạn đến với tháp Tường Long. Vị trí của tháp Tường Long được xây dựng trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Rồng, là một trong số chín ngọn núi của dãy Cửu Long. Qua lần khai quật vào năm 1978, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một nền móng tháp xây theo kiểu giật 3 cấp, móng có hình vuông lòng rỗng. Hai mươi năm sau (1998), trong lần khai quật thứ hai, các nhà khảo cổ học phát hiện thêm một nền móng thứ hai, cũng có hình vuông nhưng xây giật 2 cấp, về kích thước cũng không nhỏ hơn là mấy so với nền móng được tìm thấy lần đầu. Trong hai lần khai quật, nhiều di vật cổ đã được tìm thấy như: gạch xây tháp, bệ tượng A di đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen, ngói mũi hài, ngói lòng máng, mảnh đất nung khắc hình rồng, các con giống đất nung hình rồng, phượng và chim thần Kin na ra... Trong đó đáng chú ý hơn cả là gạch xây tháp. Đây là loại gạch có dáng hình chữ nhật dẹt với 2 loại kích thước, trên thân gạch khoét lõm khung có khắc 2 hàng chữ Hán “ Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình tứ niên tạo (có nghĩa là gạch được sản xuất vào triều vua Lý thứ 3- tức Lý Thánh Tông, niên hiệu Long thụy Thái Bình thứ 4). Nhiều nguồn tài liệu đã khẳng định: tháp được xây vào năm năm 1058 thời Lý, đời vua Lý Thánh Tông, niên hiệu Long thụy Thái Bình, đến năm 1059 thì đặt tên là tháp Tường Long (tên gọi đó tồn tại cho đến ngày này). Lịch sử của tháp Tường Long gắn liền với lịch sử kiến trúc thời Lý, đặc biệt là các công trình kiến trúc về tôn giáo đạo Phật. Cũng theo mọt số tài liệu thì tháp có 12 tầng, năm 1288 bị sét đánh đổ ngọn, năm 1322 bị sét đánh sạt 2 tầng trên, năm 1426 giặc Minh phá tháp làm vũ khí, năm 1791 triều Lê phá tháp lấy gạch tu bổ thành Thăng Long, năm 1805 thời Nguyễn, đời vua Gia Long thứ 3 tiếp tục phá tháp lấy gạch xây thành ở trấn Hải Dương... Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu, thì việc xây dựng chùa thờ Phật thời Lý chủ yếu vẫn là các toà Stupa nhiều tầng (tức bảo tháp) làm trung tâm, chung quanh là các hành lang và trai phòng. Hay nói cách khác, tháp và phật điện ở thời kỳ này không đồng nhất, đã có tháp thì không có phật điện. Như vậy, sự ra đời của tháp Tường Long ho phép chúng ta hiểu rõ thêm về loại hình kiến trúc của tôn giáo đạo Phật có nguồn gốc từ đời Lý thế kỷ 11, 12.
Tôn vinh giá trị lịch sử
Mực dù ngày nay, tháp Tường Long đã rơi vào cảnh đổ nát, hoang tàn và vài dòng ngắn gnủi ghi trong sử cũ, song trong nhiều thập kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu nhằm xác định vai trò, chức năng và nhất là giá trị của di tích trong tiến trình lịch sử. Theo hồ sơ di tích khảo cổ học tháp Tường Long của Nguyễn Văn Phương (Bảo tàng Hải Phòng) thì một trong những giá trị cơ bản của di tích được khẳng định là một đại danh lam kiêm hành cung của các nhà vua và ngọn tháp vươn cao soi bóng xuống biển Đông như một sự khẳng định mãnh mẽ về ý thức độc lập của dân tộc. Ở góc độ đạo Phật, việc xây dựng tháp Tường Long cho thấy sự hội nhậpvà truyền bá tôn giáo này đã trải qua một quá trình dài và phát triển đến đỉnh cao. Về kiến trúc nghệ thuật, xuất phát từ hệ tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp của đạo Phật đã xây dựng nên ngọn tháp nhiều tầng và như vậy, có thể hiểu tháp Tường Long chính là tiền thân của kiến trúc chùa Việt Nam . Với lối kiến trúc nhiều tầng, có lòng rỗng để đặt ban thờ Phật, nhang án và đồ trần thiết, người ta có thể vào lòng tháp để thực hiện các nghi lễ. Giá trị của di tích tháp Tường Long không chỉ dừng lại ở chỗ giúp cho người đời sau hiểu được việc thờ Phật và kiến trúc của tôn giáo đạo Phật thời Lý mà còn chứa đựng một kho tàng phong phú về nghệ thuật tạo hình. Thông qua các hiện vật được phát hiện, với những đường nét trau chuốt, mềm mại thể hiện trên bệ đá hoa sen hay điêu khắc hình rồng trên mảng đất nung và các con giống trang trí, di tích khảo cổ học tháp Tường Long dã được biết đến với tư cách là một đại chỉ tiêu biểu của văn hoá Việt Nam thời Lý- Trần trên vùng đất Hải Phòng.
Chỉ trong thời gian ngắn nữa, tháp Tường Long sẽ được trùng tu. Như vậy, tháp cổ gần 1000 năm tuổi này đang đứng trước cơ hội được hồi sinh, hiên ngang soi bóng xuống biển Đông như ở thời vua Lý thuở nào.