Đặc thù của nhà ống là sâu, bề ngang hẹp nên kiến trúc sư thường tìm sự nổi bật, tạo điểm nhấn để mở ra không gian thú vị cho ngôi nhà.
Toàn bộ khu vực tầng 1 nên bố trí làm phòng khách và bếp ăn, chừa ra một góc nhỏ làm sân trước, sân sau hoặc tiểu cảnh giữa nhà, tùy theo yêu cầu của gia chủ, nhằm điều hòa không khí trong nhà, tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Cầu thang được thiết kế nằm sát mé phải của ngôi nhà nhằm tiết kiệm tối đa diện tích phục vụ cho các mục đích sinh hoạt khác.
Góc nhà thường là nơi khó bố trí nội thất hay trang trí theo ý muốn của chủ nhân. Xu hướng chung là kê đồ sát tường để tận dụng các góc này, tránh để đọng bụi bẩn trong góc.
Chú ý những vật dụng có kích thước lớn trong phòng, tiêu biểu là bộ bàn ghế tiếp khách, nên lựa những bộ bàn ghế có thiết kế đơn giản và nhỏ gọn, tạo không khí thân thiện, ấm cúng cho căn phòng. Màu sắc của bàn ghế cũng không nên quá nổi bật trong một không gian bé nhỏ, dễ gây cảm giác tức mắt.
Nhờ cách bố trí khéo léo, có thể bạn sẽ khiến căn phòng trông như rộng lớn hơn so với diện tích thật của nó. Tông màu ưu tiên của những căn phòng hẹp là màu mang sắc thái nhẹ nhàng, trang nhã. Việc sơn tường màu xanh cốm kết hợp với màu trắng sẽ giúp tâm trạng của các thành viên trong gia đình trở nên dễ chịu hơn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Bếp và phòng khách nên thiết kế liên thông với nhau, kết nối không gian qua màu sắc.
Với căn nhà ống có chiều dài quá lớn, bạn hãy chia nhỏ thành những không gian riêng biệt có chức năng sư dụng khác nhau. Có thể tạo thành nhiều không gian ngay trên cùng một mặt bằng. Nếu mà quá sâu nhưng bề ngang không lớn, khoảng 3-4m, không nên sử dụng tường kiên cố làm vách ngăn. Như vậy sẽ tạo ra những chiếc hộp nhỏ trong chiếc hộp lớn, đồng thời lại không có sự đối lưu khí cho toàn mặt bằng.
Trong trường hợp này, hãy dùng những vách ngăn động, có thể là các bức bình phong hoặc sử dụng ngay đồ nội thất, vừa khiến tầm nhìn rộng lớn, lại tạo ra sự lưu thông khí trong nhà tốt hơn.
Thiết kế giếng trời là một giải pháp làm cho nhà thông khí, sáng sủa. Luồng gió có thể phân bổ tới các không gian trong nhà theo cầu thang và trục giao thông. Khu vực này sẽ là điểm nhấn cho ngôi nhà, có thể bày tiểu cảnh hoặc đơn giản hơn là các vật trang trí nhỏ nhưng có tác dụng không hề nhỏ như tranh tường, tượng, gốm, bình sứ… nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Mặt bằng tầng 2 chủ yếu dành cho không gian nghỉ ngơi, thư giãn như phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ của gia đình. Tùy theo sở thích của gia chủ mà có cách thiết kế phù hợp. Nội thất phòng sinh hoạt chung là không gian để gia đình quây quần nên không cần cầu kỳ, quan trọng là tạo sự thoải mái, ấm cúng khi sử dụng.
Có thể trang trí họa tiết trần nhà như một đám mây trên bầu trời hoặc cầu kỳ hơn với những thiết kế bằng gỗ, các mảng khối chìm, nổi trên trần hoặc sử dụng đèn chùm với kiểu dáng độc đáo, lạ mắt. Tương xứng với đó là nội thất trong nhà theo dạng đơn giản, ít chi tiết, không quá nhiều vật dụng thừa thãi, mất cân bằng và không theo một phong cách chủ đạo nào.
(ST)